Dấu hiệu vi phạm an toàn lao động, an toàn thực phẩm tại Công ty CP Aqua Việt Nam
11:44 25/05/2021
Theo thông tin, tài liệu Thương hiệu và Sản phẩm có được tại nhà máy của Công ty CP Aqua Việt Nam (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), dù lực lượng chức năng có xuống kiểm tra nhưng các hoạt động có dấu hiệu vi phạm an toàn lao động, an toàn thực phẩm vẫn ngang nhiên diễn ra.
Nhiều băn khoăn về quy trình sản xuất
Thời tiết nắng nóng, nước giải khát là sản phẩm rất hấp dẫn người tiêu dùng. Tại các tiệm tạp hóa cùng nhiều cửa hàng lớn nhỏ, những sản phẩm như nước cam, nước chanh dây, RedHill, Real Bull, mang thương hiệu Aqua Việt Nam được bày bán rất nhiều.
Các sản phẩm của Công ty CP Aqua Việt Nam
Nhằm tìm hiểu về quy trình sản xuất các sản phẩm nước giải khát mang nhãn hiệu Aqua Việt Nam, PV đã tiến hành xác minh cũng như tiếp nhận được nhiều thông tin liên quan đến quy trình sản xuất tại Công ty CP Aqua Việt Nam.Theo tìm hiểu của PV, các sản phẩm này do Công ty CP Aqua Việt Nam (địa chỉ đăng ký kinh doanh tại xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) sản xuất. Công ty này đã có thâm niên hơn 10 năm trong ngành sản xuất, gia công nước giải khát (giấy phép kinh doanh từ năm 2005), chủ sở hữu là ông Lê Quý Tiến.
Theo đó, nhà máy của Aqua Việt Nam có 2 dây chuyền: Thứ nhất là dây chuyền sản xuất nước đóng lon. Bao gồm các sản phẩm sun up cam, dừa, chanh leo, me, bí dao, nước RealHill, Real Bull . Dây chuyền thứ hai sản xuất nước đóng chai nhựa như chanh muối, nước cam.
Dấu hiệu vi phạm an toàn lao động, an toàn thực phẩm tại Công ty CP Aqua Việt Nam
Theo tài liệu, toàn bộ số công nhân đứng máy và công nhân làm ở các vị trí khác nhau trong nhà máy sản xuất của Công ty CP Aqua Việt Nam đều không mặc quần áo bảo hộ. Họ sử dụng trang phục tùy ý như áo phông, quần vải, dép lê.Để hoàn thành một sản phẩm cần phải trải qua nhiều khâu. Trước hết nước được đưa vào bồn nấu, sau một thời gian cố định thì đổ đường và các chất phụ gia vào, hỗn hợp này nấu xong thì truyền xuống máy. Các lon không chưa có nước được công nhân đưa vào, sau khi chiết xuất nước vào các lon thì sẽ đóng nắp. Cuối cùng sản phẩm lên dây chuyền được công nhân loại bỏ lon hỏng và xếp thành lốc, cứ 6 lon thành 1 lốc, 4 lốc thành 1 thùng.
Tại dây chuyền sản xuất nước giải khát RedHill, Real Bull, công nhân dùng tay không đổ đường và các chất phụ gia vào bồn nấu. Chưa kể tới nguyên liệu và chất phụ gia lại được đong, đựng trong những ca nhựa như loại dùng để chứa nước chè, két váng rất phản cảm. Các ca nhựa này cứ dùng xong lại bỏ xuống sàn ẩm ướt lem nhem rồi lần sau tiếp tục sử dụng. Đường nguyên liệu thì thường xuyên để dưới đất.
Công nhân tại Công ty CP Aqua Việt Nam tay không bốc dừa nguyên liệu
Kiểm tra... cho có?
“Trong quá trình sản xuất nước dừa, công nhân dùng tay không đưa dừa vào máy để xay. Xay xong, dừa được cho vào các hộp nhựa và đặt luôn xuống đất. Khi nấu nước dừa trước tiên dừa được cho vào máy để thái nhỏ sau đó được nấu lên và để đến hôm sau nấu nước đủ các phụ gia thì mới cho vào.
Trong video clip Thương hiệu và Sản phẩm có được, một công nhân làm việc lâu năm tại nhà máy Aqua Việt Nam cho biết: Từ khi chị đi làm đã có 3 đoàn kiểm tra xuống, đoàn của tỉnh cũng tới. Họ vào xem dây chuyền sản xuất khi các công nhân cũng không dùng bảo hộ lao động nhưng không nói gì, bởi “trên đã lót tiền, lo hết rồi”.
Các sản phẩm của Công ty CP Aqua Việt Nam
Qua quan sát, mỗi sáng bốc hàng thường có 1 xe chở sản phẩm của Aqua Việt Nam đi Hà Nội, 1 xe chở đi Bắc Giang và 1 xe chở đi Bình Định. Với số lượng sản phẩm xuất ra như vậy, không biết bao nhiêu người đã uống những lon nước, chai nước mang thương hiệu Aqua Việt Nam khi mà chất lượng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của các sản phẩm này vẫn đang là dấu hỏi lớn.Nếu lời người phụ nữ này là thật, thì việc kiểm tra quy trình sản xuất bên trong xưởng sản xuất của Công ty CP Aqua Việt Nam của các cơ quan chức năng liệu có phải “kiểm tra cho có”, và đương nhiên, nếu quy trình sản xuất của nhà máy này không đúng quy định thì người gánh chịu hậu quả không ai khác chính là người tiêu dùng.
Được biết, thương hiệu đứng đầu thị trường nước giải khát Việt Nam là Coca-Cola cũng từng bị phạt nặng khi sản xuất sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Cụ thể, Thanh tra Bộ Y tế xác định hàng loạt cơ sở của Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam đã sản xuất thực phẩm bổ sung không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam còn sản xuất và bán 1 lô sản phẩm nước tăng lực Samurai hương dâu có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố. Tổng số tiền mà Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam bị xử phạt là hơn 400 triệu đồng. Thanh tra Bộ Y tế cũng yêu cầu Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam thu hồi lô sản phẩm nước tăng lực Samurai hương dâu kém chất lượng.
Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm kính đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên sớm vào cuộc, làm rõ những thông tin như phản ánh, nhằm kịp thời xử lý và ngăn chặn sai phạm (nếu có) để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.