Saturday, 23/11/2024

Cơ sở làm đẹp 'đội lốt' thẩm mỹ viện

10:11 08/12/2022

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Các cơ sở làm đẹp thường được đặt tên là "thẩm mỹ viện", "viện thẩm mỹ" trong khi chỉ chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu, gây nhầm tưởng là có thể thực hiện tất cả kỹ thuật thẩm mỹ.

Ngày 7/12, đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết đây là thực trạng gây nhiều khó khăn cho cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước, khi chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về biển hiệu của các cơ sở cung ứng dịch vụ làm đẹp. Người dân dễ bị nhầm lẫn, khó phân biệt được các loại hình cơ sở làm đẹp theo quy định, như cơ sở nào được phép thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ xâm lấn (có can thiệp vào cơ thể người), cơ sở nào không được phép.

Thực tế, thời gian qua, thanh tra Sở ghi nhận nhiều cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm chăm sóc da (spa), cắt tóc, gội đầu, làm móng và dịch vụ thẩm mỹ nhưng thực hiện phun, xăm, thêu trên da, sử dụng thuốc tê dạng tiêm và cung cấp dịch vụ làm đẹp trái phép.

Ảnh minh họa

Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế và các Bộ, ngành quy định chặt hơn nữa về biển hiệu của các cơ sở làm đẹp, tăng nặng mức xử phạt hành vi cố tình vi phạm pháp luật. Người dân được khuyến cáo tìm hiểu kỹ và chọn lựa đúng các cơ sở cung cấp dịch vụ khi có nhu cầu làm đẹp. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép, người dân gọi vào đường dây nóng 0989 401 155 hoặc qua ứng dụng"Y tế trực tuyến" để báo Thanh tra Sở Y tế kịp thời xử lý.

Theo quy định, trừ bệnh viện thẩm mỹ, các cơ sở cung ứng dịch vụ làm đẹp được chia thành ba nhóm. Nhóm một là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu, làm móng. Những cơ sở này được phép hoạt động không cần điều kiện quy định về y tế, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (đăng ký kinh doanh hộ gia đình) hoặc do Sở Kế hoạch và đầu tư cấp (đăng ký kinh doanh công ty), không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

Những cơ sở chăm sóc sắc đẹp này không được phép sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì. Đây là nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế. Tuy nhiên trên thực tế thanh tra Sở từng phát hiện và xử lý nhiều cơ sở thuộc nhóm này nhưng lén lút triển khai phẫu thuật hút mỡ. Thậm chí, có những cơ sở làm đẹp nhóm này dùng thuốc gây tê cho khách hàng và xảy ra sốc phản vệ. Mới đây, một cô gái 25 tuổi tím tái, ngưng tim, ngưng thở rồi tử vong sau khi được tiêm thuốc gây tê, gây mê để chuẩn bị phẫu thuật đốt mỡ hai cánh tay và ngực tại Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center. Thanh tra Sở Y tế chưa từng cấp phép cho trung tâm tại địa chỉ thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ có gây tê, gây mê.

Nhóm hai là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da. Những cơ sở này cũng không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch và đầu tư cấp. Tuy nhiên, để hoạt động hợp pháp, điều kiện bắt buộc là người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Các cơ sở này phải gửi thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, đến Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Những cơ sở nhóm này không được sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Nhóm ba gồm những cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người. Những cơ sở này ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch và đầu tư cấp, bắt buộc được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật.

Nhóm này có thể là bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hay phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ. Hầu hết cơ sở nhóm này được phép sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy nhiên, tất cả kỹ thuật can thiệp phải được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế thẩm định và phê duyệt. Các kỹ thuật thực hiện ngoài danh mục cho phép đều trái quy định.

TP HCM hiện có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa, đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Những đơn vị này thuộc nhóm ba, do Bộ Y tế cấp phép hoạt động (bệnh viện thẩm mỹ) hoặc Sở Y tế cấp phép (phòng khám thẩm mỹ). Thành phố có 46 cơ sở xăm, phun, thêu trên da thuộc nhóm hai; và rất nhiều cơ sở thuộc nhóm một.

Từ đầu năm tới nay TP HCM đã xảy ra nhiều ca tai biến thẩm mỹ dẫn đến tử vong. Hồi tháng 4, người phụ nữ 61 tuổi tử vong khi cấy mỡ ngực tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn. Tháng 3, người phụ nữ 33 tuổi tử vong khi phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện 1A. Trước đó, một cô gái 24 tuổi ngụ quận 10 không qua khỏi sau khi ủ tê thẩm mỹ vùng lưng và một học viên thẩm mỹ 31 tuổi, ngụ quận 8, tử vong sau khi được nâng mũi, hút mỡ bụng.

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke