Theo đó, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó có 690 triệu cây phân tán và 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.
Trong tổng số 690 triệu cây phân tán trồng tại khu vực đô thị và nông thôn, Đề án đặt mục tiêu mỗi năm sẽ trồng khoảng 138 triệu cây với yêu cầu chọn loại cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác từng địa phương, từng khu vực cụ thể.
Đối với 310 triệu cây trồng rừng (tương đương 180 nghìn ha), sẽ gồm 30 nghìn ha rừng đặc dụng, và rừng mới sản xuất là 150 nghìn ha.
Trong năm 2021, mục tiêu đề án sẽ trồng khoảng 182 triệu cây trong đó cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Từ năm 2022-2025, trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, trong đó cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020.
Đề án cũng nhấn mạnh viên ưu tiên trồng cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích, có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao, cây quý, hiếm, mang bản sắc địa phương vùng, miền.
Trong đó, địa điểm trồng cây phân tán tại đô thị, nông thôn gồm: vỉa hè, đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên các khu công sở, trường học, nhà máy, xí nghiệp, công trình tín ngưỡng, vườn nhà, các công trình công cộng, hành lang giao thông, ven sông, kênh mương, bệnh viện,…
Còn với cây xanh trồng rừng tập trung sẽ trồng ở rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất (không tính diện tích trồng rừng thay thế và trồng lại rừng sản xuất sau khai thác gỗ), trồng tại đất chưa có rừng, chưa đủ tiêu chí thành rừng, khu dự trữ thiên nhiên…
Về kinh phí triển khai, Đề án xác định nguồn huy động xã hội hóa là chủ yếu, kêu gọi tài trợ hợp tác quốc tế, các dự án ODA, kết hợp với các chương trình, dự án đầu tư công. Đối với trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trồng cây xanh công cộng đô thị phục vụ lợi ích cộng đồng...sử dụng ngân sách Nhà nước
Để lan tỏa chương trình, Đề án đưa tiêu chí về diện tích cây xanh trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện, xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đồng thời, phát động phong trào thi đua để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội. Đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và mọi người dân.
Đề án phân công nhiệm vụ Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với các địa phương, Bộ, ngành tổng hợp kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025. Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo các biện pháp kỹ thuật trồng rừng, trồng cây phân tán nông thôn, quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các hướng dẫn kỹ thuật lâm sinh. Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí về diện tích cây xanh trong bộ tiêu chí quốc gia về huyện, xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Các bộ, gồm Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch trồng cây xanh hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025 tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp, hệ thống giao thông ngoài đô thị, rừng đặc dụng, phòng hộ và cây phân tán,…