Cha mất, bác sĩ quân y nén đau thương để chống dịch
16:46 09/09/2021
Những ngày này, hình ảnh các bác sĩ, chiến sĩ quân y có mặt ở từng ngõ, ngách, đến các gia đình có bệnh nhân đang bị F0 để tư vấn, điều trị tại chỗ đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân TP Hồ Chí Minh.
Đại úy, bác sĩ Nguyễn Đức Hải (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 105, Tổng cục Hậu cần) hiện đang theo học Chuyên khoa I tại Học viện Quân y, là một trong số hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế tình nguyện vào thành phố mang tên Bác để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, giúp đỡ cho người dân nơi đây.
Bác sĩ Nguyễn Đức Hải cùng với đồng đội mới xuất quân “chia lửa” cùng miền Nam ruột thịt được ít ngày thì vào đêm 2-9 vừa qua, anh bất ngờ nhận được tin từ quê nhà, người cha thân yêu của mình đã không còn nữa. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, với sứ mệnh của người chiến sĩ quân y, bác sĩ Nguyễn Đức Hải đã không thể về chịu tang cha.
Để góp phần an ủi, động viên bác sĩ Nguyễn Đức Hải trước mất mát, đau thương quá lớn, lãnh đạo Bệnh viện Quân y 105 đã chỉ đạo cán bộ, nhân viên trong Tổ quân y hỗ trợ lập bàn thờ vọng ngay trong trụ sở của Tổ công tác để bác sĩ Nguyễn Đức Hải có thể bái vọng, chịu tang cha mình từ nơi xa; đồng thời để các đồng chí lãnh đạo, đồng nghiệp được chia buồn với anh và gia đình.
Còn gì xót xa hơn thế! Cha vốn đau ốm đã lâu, nhưng vì tinh thần của người chiến sĩ quân y, bác sĩ Nguyễn Đức Hải vẫn quyết tâm gác lại niềm riêng, xung phong lên đường làm nhiệm vụ cứu chữa người bệnh.
Ngày người chiến sĩ quân y này lên đường cũng là ngày bệnh tình của cha trở nặng. Tới khi cha đột ngột qua đời mà người con trai duy nhất không hề biết, anh vẫn đang miệt mài cống hiến cho Tổ quốc, hy sinh vì những người bệnh, với hy vọng ngày mai cuộc sống của người dân mọi miền Tổ quốc sẽ lại bình yên trở lại...
Bác sĩ Nguyễn Đức Hải cũng như hàng nghìn chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch, tạm gác lại những buồn vui của bản thân, gia đình để lo cho nhiệm vụ của Tổ quốc, của nhân dân. Các anh lên đường theo “mệnh lệnh” của trái tim.
Mặc dù bác sĩ Nguyễn Đức Hải không có mặt ở nhà để lo cho tang lễ của cha nhưng lãnh đạo Bệnh viện Quân y 105 cũng đã phân công, sắp xếp người, phương tiện đưa người cha thân yêu của đồng đội về nơi an nghỉ cuối cùng. Những tiếng nấc nghẹn lòng, những lời chia buồn của các đồng nghiệp ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội gửi đến người bác sĩ quân y này đã giúp anh vơi đi phần nào nỗi mất đau quá lớn.
Câu chuyện xảy ra vào thời điểm dịch bệnh của bác sĩ Nguyễn Đức Hải một lần nữa lan tỏa thông điệp cao cả về sự hy sinh của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch thật đáng trân trọng.
Nỗi đau mất đi người cha thân yêu khiến trái tim bác sĩ Nguyễn Đức Hải như bị bóp nghẹn lại. Qua cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử vào sáng 8-9, chúng tôi hiểu rằng, với tinh thần của người bác sĩ, chiến sĩ, anh đã biến đau thương thành hành động ý nghĩa.
Từ trong tâm dịch, bác sĩ Nguyễn Đức Hải chia sẻ: Sau này, khi tôi trở về không còn được gặp người cha thân yêu của mình nữa. Sự mất mát này là quá lớn đối với tôi và gia đình. Có lẽ ở nơi chín suối, cha cũng thấu hiểu lòng tôi và ủng hộ cho công việc tôi đang làm. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, những người dân TP Hồ Chí Minh đang rất cần sự trợ giúp của các bác sĩ. Chúng tôi vào đây từ ngày 23-8, mỗi ngày đi đến khoảng hơn 300 địa điểm có bệnh nhân F0 để điều trị, cấp, phát thuốc.
"Có những bệnh nhân phải đi lại 2-5 lần/ngày để khám, điều trị. Trung bình mỗi ngày, tôi và các đồng nghiệp khám cho 20-30 lượt bệnh nhân nhiễm Covid-19. Khi đến mỗi gia đình thì chúng tôi thay 1 bộ quần áo bảo hộ và đảm bảo an toàn phòng dịch, chống lây nhiễm. Công việc tuy vất vả nhưng chúng tôi luôn cảm thấy ấm lòng bởi tình quân dân, nghĩa đồng bào ở trong tâm dịch. Khi đến khám bệnh ở các tổ dân phố, chúng tôi nhận được những thực phẩm như trứng, rau, người thì đem cả bếp ga cho mượn để đun nấu…đã khiến cho chúng tôi cảm thấy ấm lòng vô cùng. Nhìn ánh mắt tình cảm, trìu mến của các bệnh nhân khi chia tay để tổ quân y đến các địa điểm khác, chúng tôi hiểu rằng, dẫu khó khăn đến mấy thì khi có sự đồng lòng, hợp lực của quân và dân, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi!", Nguyễn Đức Hải bày tỏ.