Cảnh báo nhiều bệnh nhân bị nấm da do tiếp xúc chó, mèo
11:20 19/08/2021
Gần đây, Bệnh viện Da Liễu tiếp nhận nhiều trường hợp người dân đến khám khi da xuất hiện các mảng hồng ban, tróc vảy kèm ngứa ở nhiều vị trí trên cơ thể, kết quả cho thấy bệnh nhân bị nhiễm nấm da do tiếp xúc với chó, mèo.
Chị N.T.H. ngụ tại quận Bình Thạnh đưa 4 thành viên trong gia đình đến Bệnh viện Da Liễu TP.HCM khám khi trên da xuất hiện các triệu chứng giống nhau: các vết sẩn hình tròn, tróc vảy, ngứa sau đó lan ra nhiều vị trí khác trên cơ thể.
Một trường hợp khác, bệnh nhân nữ T.T.N. ngụ tại Thành phố Thủ Đức cũng đến khám khi xuất hiện mảng đỏ, đóng vảy, ngứa trên 2 cánh tay.
Khai thác thông tin, các bệnh nhân đều cho biết nhà có nuôi chó, mèo và thường xuyên tiếp xúc, thậm chí ngủ chung với chúng.
BS.CK1 Trần Duy Cường – Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, cho biết hầu hết các bệnh nhân đến khám và điều trị khi xuất hiện các biểu hiện ở da như: xuất hiện các mảng hồng ban hình tròn, bầu dục hoặc đa cung, bề mặt tróc vảy nhẹ hoặc có viền vảy, giới hạn rõ, đường kính khoảng 4-5mm có khi đến hơn 10mm, nằm rải rác 2 cánh tay, cẳng chân và đùi, có khi ở ngực hoặc rải rác nhiều nơi trên cơ thể, ngứa nhiều.
Đặc biệt các trường hợp này trong gia đình đều nuôi chó, mèo, thỏ (đa số nuôi mèo Anh), thường xuyên tiếp xúc và có khi ngủ chung. Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm tìm nấm da, kết quả cho thấy sợi tơ nấm có vách ngăn.
Bệnh da do nấm sợi tơ (Dermatophytosis) là bệnh lý thường gặp, đặc biệt ở môi trường khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, rất thuận lợi cho vi nấm phát triển. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng thường gây ngứa ngáy khó chịu, nếu không được điều trị hay điều trị không đúng thì thương tổn nấm có thể lan tỏa, gây chàm hóa hoặc bội nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Theo bác sĩ Trần Duy Cường, các chủng vi nấm sợi tơ có thể lây nhiễm từ đất, từ động vật hoặc từ người mắc bệnh nấm da.
Điều kiện thuận lợi để nấm phát triển: Sinh hoạt tập thể, ngủ chung, giặt chung chậu, dùng chung quần áo;
Khí hậu nóng ẩm, ra nhiều mồ hôi làm thay đổi độ pH của da;
Da bị xây sát, da khô, rối loạn cấu tạo lớp da bảo vệ bên ngoài (lớp sừng);
Rối loạn nội tiết, suy giảm miễn dịch, dùng thuốc kháng sinh lâu ngày, dùng thuốc ức chế miễn dịch;
Tiếp xúc thường xuyên với vật nuôi: chó, mèo, thỏ… riêng với các trường hợp nêu trên, nguyên nhân nhiễm nấm sợi tơ là do tiếp xúc gần với chó, mèo…
Khi bị nhiễm nấm da do tiếp xúc với chó, mèo… cần lưu ý:
“Vệ sinh cá nhân thường xuyên, tránh mặc quần áo ẩm ướt; Cần đun sôi, ủi quần áo thường xuyên hoặc phơi quần áo dưới ánh nắng mặt trời, nhất là quần áo lót; Tránh tiếp xúc với các nguồn lây như chó, mèo...
Không dùng chung quần áo, chăn màn với người mắc bệnh, tránh tắm xà phòng.
Nếu nhà có nuôi chó, mèo… nên cố gắng giữ chúng sạch sẽ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe và tẩy giun. Nếu thấy chúng có dấu hiệu bệnh trên da, cần đưa đến các phòng khám thú y để được điều trị kịp thời, tránh lây sang người.
Các thành viên trong gia đình nếu bị nấm da do tiếp xúc với chó, mèo… cần sử dụng các thuốc chống nấm bôi tại chỗ đơn thuần hoặc kết hợp thuốc bôi với thuốc uống đường toàn thân phù hợp tùy thuộc vào mức độ thương tổn theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.” BS Cường khuyến cáo.