Cảnh báo hiện tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đi chợ hộ
17:52 26/08/2021
Phó giám đốc Sở Công Thương TP. HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, gần đây ghi nhận nhiều trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đi chợ hộ.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, trong ngày 24/8 có 74.033 hộ dân đăng ký đơn hàng đi chợ hộ trên tổng số gần 2,2 triệu hộ dân toàn Thành phố, tăng hơn 50.000 hộ so với ngày 23/8.
Trong đó, các hệ thống phân phối đã cung ứng 70.337 đơn hàng cho các hộ đăng ký. Số đơn còn lại sẽ được các hệ thông phân phối trong ngày mai. Đối với chương trình túi an sinh dành cho các hộ khó khăn, có 274.633 trên tổng số 590.859 hộ đăng ký.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, đã ghi nhận một số dấu hiệu lừa đảo người dân chuyển tiền đăng ký mua hàng. Cụ thể, trên báo Tiền Phong có thông tin, vào ngày 24/8, cửa hàng trưởng cửa hàng Bách Hóa Xanh (Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp) cảnh báo đến hơn 1.000 khách hàng trong nhóm Zalo do đơn vị này tạo, về việc có đối tượng mạo danh nhân viên Bách Hóa Xanh nhắn tin riêng chốt đơn và yêu cầu khách hàng chuyển khoản để lừa tiền.
Đơn vị này cung cấp cho khách hàng thông tin một tài khoản ngân hàng duy nhất và lưu ý khách hàng để ý nhân viên trao đổi chuyển khoản trong nhóm Zalo là thành viên có khóa vàng hoặc khóa bạc trên hình nền đại diện. Khách hàng chỉ chuyển khoản khi nhận được hình hóa đơn hoặc hình màn hình máy tính có chi tiết số tiền thanh toán và sản phẩm mua.
Bà Đỗ Thị Dậu, Giám đốc Satramart Siêu thị Sài Gòn cũng lưu ý hiện nay việc bán hàng của đơn vị này được triển khai thông qua phường, do đó người dân không nên đặt hàng ở đường dẫn (link) nào khác để tránh bị lừa.
Để không phải dính vào bẫy lừa đảo của kẻ xấu, người dân khi có nhu cầu mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, người dân nên liên hệ tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ và các đoàn thể phường để đăng ký, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Theo Sở Công Thương TPHCM, hiện kênh phân phối trên địa bàn TPHCM có 2.302 điểm bán, trong đó có 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn và 502 điểm tạp hóa, chợ (chủ yếu ở Cần Giờ).
Đặc biệt, trong ngày 24/8 có 1 siêu thị thông minh đi vào hoạt động theo mô hình không người bán, địa chỉ tại 169 Cô Bắc, phường Cô Giang, quận 1. Theo đó, khách hàng khi tới cửa hàng sẽ thực hiện sát khuẩn, lấy túi mua hàng và di chuyển 1 chiều theo dấu chân dán dưới sàn để lựa chọn hàng hóa, sau đó thực hiện thanh toán theo hướng dẫn tại quầy thu ngân.
Đối với mô hình xe bán hàng lưu động, trong ngày 24/8 chỉ còn 5 xe do số lượng đăng ký tại các quận huyện giảm. Nguyên nhân do những ngày trước đó người dân đã mua sắm dự trữ khá nhiều.
Được biết, mô hình đi chợ hộ tại TP.HCM được triển khai nhằm hạn chế người dân ra đường tối đa theo chỉ thị của thành phố nhằm mục tiêu giảm thiểu tới mức tối đa số ca tử vong và lượng bệnh nhân COVID-19 mới trong những ngày sắp tới. Chiến dịch có sự hỗ trợ của lực lượng quân đội cùng lực lượng cán bộ tuyến đầu chống dịch tại mỗi địa phương và cho thấy hiệu quả khá tốt dù mới đi vào hoạt động.