Khác với sản phẩm truyền thống, thuốc lá điện tử ngày nay được giới trẻ đón nhận nhiều hơn bởi vẻ ngoài cũng như hương thơm khó cưỡng, lại không bị coi là “tệ nạn”.
Thời gian giáp Tết Nguyên đán 2023, cộng đồng lại đang phải chứng kiến liên tiếp các trường hợp nguy kịch phải nhập viện do các gặp các vấn đề liên quan thuốc lá điện tử. Đáng buồn hơn, “làn khói” này lại đang xuất hiện nhiều hơn ở môi trường học đường.
Liên tiếp các ca trẻ em nhập viện
Theo nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế, thực hiện gần đây, tỷ lệ trẻ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35%, nhóm lớp 10-12 lên tới 12,6%, nữ 4,8% và nam 12,4%.
Trước đó, kết quả điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019 cũng chỉ ra tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%. Ở học sinh thành thị, con số này là 3,4%.
Mới đây nhất, 8 học sinh của trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải nhập viện kiểm tra do có biểu hiện buồn nôn, đau đầu sau khi hút thuốc lá điện tử.
Theo đó, một trẻ trong nhóm này tình cờ nhặt được thuốc lá điện tử và mang đến lớp. Nhóm học sinh tò mò dùng thử và hít phải khói thuốc, dẫn đến triệu chứng buồn nôn.
Ngay sau khi phát hiện, nhà trường đã đưa các học sinh này xuống phòng y tế kiểm tra, đồng thời mời phụ huynh cùng lãnh đạo trường đưa nhóm trẻ dùng thử và hít phải khói thuốc đến bệnh viện.
Cũng trong khoảng thời gian này, khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, đã tiếp nhận bệnh nhi 5 tuổi vào viện trong bệnh cảnh hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch chậm sau khi uống dung dịch trong dụng cụ thuốc lá điện tử.
Đáng nói hơn, các mẫu bệnh phẩm gồm máu, nước tiểu, dung dịch trẻ này uống nhanh chóng được xét nghiệm và phát hiện dương tính với ma túy tổng hợp mới ADB-BUTINACA.
Đây cũng là trường hợp thứ 2 bị ngộ độc liên quan đến thuốc lá điện tử được Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận và điều trị trong thời gian qua. Trước đó, cơ sở y tế này tiếp nhận một bé trai 12 tuổi, trú tại Hà Nội, trong tình trạng khó thở và co giật.
Theo khai thác, trường hợp này hay tụ tập với các anh lớp trên ở trường học, được rủ sử dụng thuốc lá điện tử và đồng ý thử. Sau đó, trẻ tự mua thuốc lá điện tử trên Internet để tự do hút.
Trong dịp nghỉ lễ, trẻ hút thuốc lá điện tử thường xuyên hơn và xuất hiện cơn run tay, chân, chóng mặt, hoảng sợ, khó thở và xuất hiện cơn co giật. Bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi, điều trị.
“Thú chơi” nguy hiểm
Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi khác nhau như vape, pod, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, bút vape, ENDS (hệ thống điện tử cung cấp nicotine), ENNDS (hệ thống phân phối không chứa nicotine)…
Chúng cũng được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt, có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc tương tự chiếc bút, ổ đĩa, thỏi son…
Sự mới lạ của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn (kẹo, trái cây…) cùng những lời quảng cáo như không gây hại, văn hóa hút thuốc lành mạnh, sành điệu, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của trẻ ở tuổi mới lớn.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng khoa Thăm dò và Phục hồi Chức năng, Thư ký Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bệnh viện Phổi Trung ương, không chỉ thuốc lá điện tử, tất cả chế phẩm của thuốc lá đều gây hại cho cơ thể.
“Thứ nhất, trong tất cả chế phẩm thuốc lá đều có đến 7.000 chất độc, trong đó, khoảng 70 chất hóa học gây ung thư. Thứ hai, hắc ín sinh ra trong quá trình làm nóng, đốt các chế phẩm này là nguy cơ lớn. Vấn đề thứ ba là nicotine - một chất gây nghiện, làm cơ thể giảm, thậm chí ngưng sản xuất nicotine, từ đó liên tục có nhu cầu hút thuốc tiếp”, vị chuyên gia nói.
Tất cả chất nói trên đều gây tác hại cho cơ thể, từ răng, tóc, da, thậm chí có người mặt sạm đen vì hút thuốc, đến các bệnh lý về tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng vấn đề sinh sản…
Phụ nữ mang thai hút các chế phẩm thuốc lá còn dẫn đến tình trạng đẻ non, trẻ sinh thiếu cân, con mắc các bệnh lý về hô hấp. Bên cạnh đó, những người không hút trực tiếp nhưng hít phải khói thuốc từ người khác hút cũng đứng trước những tác hại tương tự.
Nói riêng về thuốc lá điện tử, BS Phương Anh nhận định ngoài những tác hại tương tự thuốc lá truyền thống, sản phẩm này mang đến nhiều nguy cơ khác.
“Vấn đề đầu tiên, dễ thấy nhất là thuốc lá điện tử có cấu trúc như một dụng cụ nung nóng hóa chất. Chính điều này khiến chúng vô tình trở thành một mối đe dọa gây nổ”, vị chuyên gia lưu ý.
Trên thực tế, thế giới cũng đã ghi nhận rất nhiều trường hợp thuốc lá điện tử phát nổ ở Mỹ, các nước châu Âu.
Vấn đề thứ hai là các chất được nhà sản xuất đưa vào thuốc lá điện tử thường có nhiều loại mùi vị khác nhau để kích thích người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Các mùi hương dâu, cam, xoài, chocolate… mang đến những trải nghiệm thú vị ngay lần thử đầu tiên.
“Tuy nhiên, các loại hóa chất tạo nên những mùi vị này cũng gây hại cho sức khỏe của cơ thể, nhất là ở trẻ vị thành niên”, BS Phương Anh khẳng định.
Không thể cai nghiện thuốc lá truyền thống bằng thuốc lá điện tử
Một trong những suy nghĩ phổ biến nhất ở người dùng thuốc lá điện tử là coi dụng cụ này như một cách để thay thế, cai thuốc lá truyền thống, giảm bớt tác hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, BS Nguyễn Thị Phương Anh khẳng định đây là thông tin hoàn toàn sai lệch.
Bà giải thích: “Bất cứ thành phần nào của thuốc lá đều có chứa nicotine. Chất này, dù ít hay nhiều, vẫn gây cảm giác nghiện. Từ đây, thay vì nghiện thuốc lá truyền thống, người dùng lại quay sang nghiện thuốc lá điện tử”.
Trong khi đó, thuốc lá điện tử còn gây thêm các tác hại do chất nung nóng, các hoạt chất tạo mùi cũng như nguy cơ cháy nổ… Không những vậy, trong những sự việc đáng tiếc vừa qua, một số cá nhân còn lợi dụng việc sử dụng thuốc lá điện tử để đầu độc giới trẻ bằng cách cho thêm ma túy tổng hợp, chất gây nghiện…
Cùng quan điểm về vấn đề này, trao đổi với Zing, BS Nguyễn Thị Nhung, Trưởng khoa Phổi - Lao - Da liễu, Bệnh viện 199 (Đà Nẵng), khẳng định: “Thuốc lá điện tử không thể giúp cai thuốc lá truyền thống. Sản phẩm thuốc lá điện tử vẫn chứa nicotine. Do đó, đây chỉ là chuyển sử dụng từ loại thuốc này sang loại thuốc khác”.
Cụ thể, sự khác nhau cơ bản giữa 2 sản phẩm trên là nicotine sử dụng trong thuốc lá điện tử được chiết xuất từ cây thuốc lá và thanh lọc trước khi sử dụng. Do đó, hút thuốc lá truyền thống sẽ độc hại hơn. Tuy nhiên, cả 2 sản phẩm này đều gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
“Bên cạnh chất gây nghiện nicotine, hơi của thuốc lá điện tử vẫn chứa chất gây ung thư trong khói thuốc lá thông thường. Do đó, người hít phải khói thuốc lá điện tử cũng có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tương tự người hút trực tiếp như ung thư phổi, thanh quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, liệt dương...”, bác sĩ Nhung giải thích.
Trưởng khoa Phổi - Lao - Da liễu cho biết thêm trong khói thuốc lá điện tử còn chứa các kim loại nặng và phân tử độc hại siêu mịn. Một nghiên cứu gần đây tại Mỹ ghi nhận 1.604 ca tổn thương phổi, trong đó 39 người tử vong, do sử dụng thuốc lá điện tử.
“Một nguy cơ khác của thuốc lá điện tử là người sử dụng không còn e dè, tránh để người thân bị ảnh hưởng bởi hít khói thuốc tự động nữa. Họ cho rằng thuốc lá thế hệ mới không nguy hại và vô tư hút trong phòng kín, nơi đông người”, bác sĩ Nhung nhận định.