Từ đầu năm 2021 đến nay, Thanh Hóa xảy ra 9 vụ đuối nước làm 16 trẻ tử vong. Nạn nhân chủ yếu là ở các vùng nông thôn.
Ám ảnh những vụ đuối nước thương tâm
Công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh, trẻ em luôn được các cấp, ngành tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, mỗi năm trên địa bàn vẫn có hàng chục trẻ em bị đuối nước. Đáng nói nhiều vụ đuối nước thương tâm mà nạn nhân là anh chị em ruột trong cùng một gia đình.
Gần đây nhất vào ngày 26/6, 2 anh em ruột là L.X.Đ. (SN 2011) và L.X.Đ. (SN 2014), ở xã Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa rủ nhau ra khu vực bờ kè sông Chu để tắm và gặp nạn khiến cả 2 tử vong do đuối nước.
Cách đó không lâu, ngày 9/6, một vụ đuối nước khác xảy ra tại xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương) mà 2 trong số 3 nạn nhân là anh em ruột.
Trước đó, vào ngày 23/4, người dân trên địa bàn xã Hoằng Hải (huyện Hoằng Hóa) có 4 học sinh ra biển tắm và bị nước cuốn trôi. Sau 2 ngày tích cực tìm kiếm của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng người dân địa phương, 4 thi thể mới lần lượt được tìm thấy.
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Hoằng Hóa, tình trạng trẻ đuối nước tăng so với năm ngoái. Năm 2020, trên địa bàn huyện xảy ra 4 vụ, cướp đi mạng sống của 4 đứa trẻ. Năm nay, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, đã xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 7 trẻ thiệt mạng.
Trước thực trạng trên, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ.
Đặc biệt, yêu cầu các địa phương rà soát và phát hiện kịp thời công trình chứa nước, khu vực ao hồ, sông, vùng nước nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa.
Tại huyện Quảng Xương, từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 2 vụ đuối nước, làm 4 trẻ tử vong. Để ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ, ngay từ đầu năm, huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo, tuyên truyền sâu rộng, nhất là tại các địa phương ven biển, có ao, sông, hồ phải đặt biển cảnh báo tại khu vực nguy hiểm. Đồng thời, huyện cũng giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương.
Môi trường sống của trẻ chưa thực sự an toàn
Thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra 9 vụ đuối nước khiến 16 trẻ thiệt mạng.
Nguyên nhân xảy ra những vụ tai nạn đuối nước được cho là kiến thức phòng tránh, sơ cấp cứu tai nạn đuối nước của người dân còn hạn chế, đặc biệt nhiều trẻ em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan và thiếu kỹ năng xử lý tình huống khi xuống nước.
Ngoài ra, môi trường sống của trẻ chưa thực sự an toàn, nhiều nhà sống gần biển, ao, hồ, sông, suối nhưng không có hàng rào bảo vệ, các giếng, bể nước, hố… không đảm bảo an toàn, không có người lớn trông coi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thụ - Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, để ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên trách, cần sự quan tâm nhắc nhở của cha mẹ với con em mình. Đặc biệt, gia đình cần chủ động đưa các em đi học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước để phòng, chống đuối nước cho trẻ.